Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2017 đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Năm nay, ngành đặt mục tiêu kim ngạch đạt 34-34,5 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam quý 1 ước đạt 7,62 tỷ USD, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc đạt 5,98 tỷ USD, tăng 12,5%. Xuất khẩu vải đạt 335 triệu USD, tăng 20,5%. Xuất khẩu xơ sợi và vải không dệt đạt 906 triệu USD và 129 triệu USD tăng lần lượt 16,5% và 10,26%. Xuất khẩu nguyên phụ liệu đạt 272 triệu USD, tăng 16,7%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dệt may ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 22,82%. Giá trị thặng dư thương mại đạt 3,87 tỷ USD, tăng 3,7%.
Trong các thị trường xuất khẩu, Nhật Bản và Trung Quốc đều tăng trưởng trên 25%. Xuất khẩu tới thị trường Mỹ cũng đạt hơn 10%.
Trong năm 2018, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 34-34,5 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản dẫn dầu đà tăng trưởng lần lượt đạt 15,2%, 16,1% và 12%.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho rằng mục tiêu này hoàn toàn khả thi do có nhiều điều kiện thuận lợi, trong đó các hiệp định thương mại tự do đóng vai trò lớn.
Hai hiệp định thương mại tự do CPTPP và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU) được cho là sẽ tạo cú hích cho ngành dệt may tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Riêng đối với EVFTA, Việt Nam đã kết thúc đàm phán và đang trong giai đoạn rà soát pháp lý.
Quá trình hội nhập đã tạo ra thị trường mới rộng lớn cho ngành do hầu hết các dòng thuế đều được giảm ngay hoặc giảm theo lộ trình về 0%.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may nhận định: “Mặc dù nhân công giá rẻ không đóng vai trò quyết định, song giá nhân công Việt Nam vẫn tương đối thấp so với nhiều nước như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan. Đây cũng là một lợi thế cạnh tranh”.
Tuy vậy, các quý còn lại của năm 2018 và các năm tiếp theo ngành dệt may tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn do nhu cầu mua sắm không tăng. Tổng cầu thế giới về dệt may chỉ tăng 1- 2%, thậm chí không thay đổi, ông Cẩm cho biết.
Phát triển ngành mất cân đối cũng là một thách thức lớn. Khâu yếu nhất là thượng nguồn như kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất. Sợi sản xuất trên 1,4 triệu tấn/năm nhưng 90% dùng cho xuất khẩu và phải nhập 876.000 tấn, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Nguồn vải cho may xuất khẩu chủ yếu là nhập khẩu, trong đó Trung Quốc chiếm 50% tổng giá trị.
Tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI lớn, chiếm 62% trong đó xơ, sơi chiếm tới 72%; vải và may mặc chiếm 60,6%.
Bên cạnh đó, việc tuân thủ quy tắc xuất xứ của các hiệp định FTA cũng là vấn đề lớn đối với ngành dệt may khi 80% nguyên phụ liệu là nhập khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết những tiêu chuẩn về sản xuất, cách thức đóng gói, ghi nhãn mác, quy tắc xuất xứ…sẽ là hàng rào kỹ thuật đối với ngành.
“Chúng ta có thể vượt qua hàng rào thuế quan, nhưng đối với hàng rào kỹ thuật thì chưa chắc nếu các doanh nghiệp không chuẩn bị tốt do EU nổi tiếng là thị trường khó tính”, bà Trang nói.
Một số nước gần đây tập trung hỗ trợ cho dệt may trong nước như Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ tạo rào cản lợi thế cạnh tranh hàng dệt may Việt.
Hiện tại EU vẫn đang áp dụng mức thuế suất 0% cho hàng dệt may nhập khẩu từ các nước kém phát triển như Campuchia, Myanmar… Mỹ áp dụng thuế suất ưu đãi 0% cho một số mặt hàng của Campuchia. Trong khi đó, dệt may Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế bình quân 17,5% tại Mỹ và 9,6% ở thị trường EU.