Dù được hưởng lợi khi tiếp cận được nhiều thị trường lớn, ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe về xuất xứ…
Dệt may Việt Nam đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do
Chưa tự chủ được nguyên vật liệu đầu vào là điểm yếu lớn nhất của dệt may Việt Nam (Việt Nam). Trong khi đó, khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực, dệt may sẽ được hưởng lợi khi tiếp cận nhiều thị trường lớn có tiềm năng nhưng đi cùng với nó là yêu cầu khắt khe của các FTA về “quy tắc xuất xứ”. Đây là bài toán lớn đặt ra cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 22,56 tỷ USD, trong khi nhập khẩu nhóm mặt hàng là nguyên liệu đầu vào của dệt may ghi nhận mức tăng trưởng cao: bông các loại ước đạt 2,41 tỷ USD, tăng 30,3%; vải ước đạt 9,39 tỷ USD, tăng 13,5%; xơ, sợi ước đạt 1,78 tỷ USD, tăng 34,6%.
Kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng nguyên phụ liệu hầu như vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và đó chính là nỗi băn khoăn của không ít doanh nghiệp dệt may trong việc tạo thế chủ động cho sản xuất – kinh doanh. Nói như Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại lễ khánh thành Công ty Cổ phần Dệt Bảo Minh: “Kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2018 dự kiến đạt cao – 35 tỷ USD, nhưng sâu trong tim mình chúng ta vẫn đau đáu là không có vải. Chúng ta có sợi, may – kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng không có vải”.
Đặc biệt, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu u (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) 60 ngày nữa sẽ có hiệu lực (cuối tháng 12/2018) – cơ hội với ngành dệt may sẽ là rất lớn. Khi dòng thuế suất bằng 0%, CPTPP sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại một số nước đang có thuế suất cao như Canada, New Zealand, Australia…
Tuy nhiên, đây lại là hai hiệp định có quy tắc xuất xứ chặt chẽ nhất. Trong đó, CPTPP yêu cầu quy tắc xuất xứ từ sợi và EVFTA yêu cầu xuất xứ từ vải. Thực tế này đã gây ra nhiều trở ngại cho ngành dệt may Việt Nam, bởi phân khúc sợi, dệt – nhuộm – hoàn tất đang là nút thắt cổ chai của toàn ngành.
Chuyên gia Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cho rằng, để phát huy được năng lực may trong toàn ngành sẽ cần phải có 6 tỷ mét vải/năm. Thế nhưng, khâu dệt trong suốt thời gian dài vừa qua chỉ có thể cung cấp được 0,8 tỷ mét, số còn lại 5,2 tỷ mét phải trông chờ vào nhập khẩu.
Điều đáng nói, theo ông Thắng, ngay trong 0,8 tỷ mét do sản xuất trong nước cung cấp lại chưa thoả mãn được nhu cầu của may về chất lượng vải, cơ cấu vải, đặc biệt thiếu hẳn những loại vải chất lượng cao để sản xuất ra những đơn hàng chuyên biệt. Nên thực tế, toàn ngành vẫn phải nhập tới gần 70% nguyên phụ kiện may, thậm chí, có doanh nghiệp phải nhập tới hơn 90% để đáp ứng nhu cầu sản xuất của mình.
Để thông điểm nghẽn này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiệp hội đã có chương trình hành động cụ thể như kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phần cung thiếu hụt. 8 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư FDI vào ngành dệt may Việt Nam đạt con số cực kỳ hấp dẫn là trên 2 tỷ USD.
Đồng thời, hiệp hội cũng đưa giải pháp kêu gọi đầu tư vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Hầu hết các nước trên thế giới như các nước thành viên EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Hồng Kông – Trung Quốc… đều đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt của Việt Nam như Tập đoàn Südwolle (Cộng hoà Liên bang Đức) đầu tư nhà máy kéo sợi len lông cừu tại Tp.Đà Lạt (Lâm Đồng); dự án nhà máy sản xuất chỉ may thêu của Tập đoàn Amann (Đức) tại Quảng Nam. Một tập đoàn Italia đầu tư tại Phố Nối với vải dệt kim. Nhà máy Israel đầu tư sợi, dệt, nhuộm tại Phù Cát, Bình Định.
Nguồn từ : Vũ Khuê