Đa số doanh nghiệp (DN) dệt may luôn ở trong tình trạng thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh do nguồn lực hạn chế và khả năng huy động vốn yếu. Để giải quyết vấn đề này, một trong những giải pháp hữu hiệu là DN cần tăng cường liên doanh, liên kết.
Khó huy động được nguồn vốn
Theo số liệu của Bộ Công thương đưa ra tại hội thảo “Kết nối DN trong phát triển công nghệ ngành dệt may – vai trò của công nghệ và tài chính”, được tổ chức mới đây cho thấy, hiện nay cả nước có hơn 6.000 DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may, trong đó đa số là DN nhỏ và rất nhỏ, với hơn 90% DN có quy mô nhỏ hơn 500 công nhân.
Cũng theo thống kê, hiện ngành dệt may nước ta vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, phải nhập khẩu tới gần 70%; có DN phải nhập hơn 90%. Điều này đòi hỏi lượng vốn rất lớn, nhất là số vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ dệt may. Đây cũng là một trong những khó khăn lớn nhất các DN ngành dệt may đang phải đối mặt hiện nay.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đa số DN dệt may có quy mô nhỏ, sản xuất manh mún, vốn mỏng, sản xuất “ăn đong”, chủ yếu gia công (chiếm gần 70%) cho các thương hiệu lớn… Trong khi đó, khả năng huy động nguồn vốn của DN dường như rất yếu, từ việc vay vốn của các tổ chức tín dụng, tín dụng thương mại cho đến việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu… đều gặp nhiều trở ngại, khó khăn khi thực hiện.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trương Quang Đạt, đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phố Wall cho biết, một trong những kênh huy động vốn rất hiệu quả của DN đó là thông qua thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, DN dệt may gặp khá nhiều rào cản, bất lợi trên con đường đến với thị trường này khiến họ chùn bước. Trong đó, phải kể đến những áp lực về kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh, khi DN niêm yết luôn phải chịu áp lực giám sát của xã hội, áp lực phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhằm duy trì và tăng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Tăng cường liên doanh, liên kết
Theo các chuyên gia kinh tế, để hỗ trợ hiệu quả về dòng vốn cho các DN dệt may, về vĩ mô Chính phủ cần quy định cụ thể các khu vực sản xuất được ưu tiên vay vốn lãi suất thấp, dài hạn và hạn chế các điều kiện về tài sản đảm bảo, hay phải có kế hoạch kinh doanh khả thi…
Bên cạnh giải pháp huy động vốn qua kênh ngân hàng, cơ quản quản lý cần đẩy mạnh việc hỗ trợ và giúp đỡ để các DN dệt may có thể lên sàn huy động vốn; hay tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để DN thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài…
Theo ông Đạt, một trong những giải pháp quan trọng, DN cần tính đến là tăng cường liên doanh, liên kết. Liên doanh, liên kết theo chiều dọc, chiều ngang trong ngành công nghiệp dệt may, tuy không phải là vấn đề mới, song lại chưa được các DN dệt may chú trọng trong thời qua. Sự kết nối, liên kết giữa các DN trong nước còn rất yếu kém, vẫn tồn tại thực trạng “mạnh ai nấy làm”.
“Từ việc đầu tư dự án sản xuất nguyên phụ liệu cho đến công nghệ, máy móc trong ngành dệt may đều đòi hỏi một lượng vốn rất lớn. Do đó, DN có thể liên kết với một DN khác nhằm tạo nguồn vốn cho dự án, làm tăng vốn mà lại không làm tăng thêm nợ, không phải chịu các khoản lãi cắt cổ… Bên cạnh đó, liên kết cũng sẽ làm tăng nguồn lực để nhận các đơn hàng lớn, giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm” – ông Đạt nhấn mạnh.
Nguồn từ : Tố Uyên